Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Phát biểu giải trình trước Quốc hội liên quan vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm đến hàng hóa giá rẻ nước ngoài "xé lẻ" đơn hàng dưới 1 triệu đồng để né thuế về Việt Nam khi thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) ngày 29-10, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc Việt Nam không thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhỏ lẻ nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng là thực hiện theo cam kết quốc tế tại Công ước Kyoto năm 1973 và được cụ thể hóa tại Quyết định số 78 năm 2010.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thực tế hiện nay, nhiều quốc gia khác đã bỏ thực hiện Công ước này. Theo đó, EU đã bỏ quy định không tính thuế đối với giá trị hàng hóa chuyển phát nhanh qua đường bưu điện dưới 22 USD. Hay nước Anh xóa bỏ việc miễn thuế đối với hàng hóa dưới 135 USD. Còn Singapore từ ngày 1-1-2023 cũng bỏ quy định miễn thuế với hàng hóa giá trị nhỏ vận chuyển và giao dịch qua thương mại điện tử. Trong khi đó, Thái Lan đánh thuế VAT 7% với tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu.
"Các quốc gia tham gia Công ước quốc tế Kyoto đến nay không thực hiện cam kết. Vì vậy, về phía Việt Nam, Chính phủ bãi bỏ Quyết định số 78/2010, đưa vào quy định tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi: Đối với hàng hóa nhỏ, đều phải nộp thuế", Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc thông tin.
Phó thủ tướng lấy ví dụ như sàn thương mại điện tử Temu, hầu hết giao dịch hàng hóa với giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng. "Người ta đang tận dụng Quyết định số 78/2010 của Việt Nam để bán hàng giá rẻ vào thị trường", Phó thủ tướng nói.
Miễn thuế dẫn đến tình trạng “xé nhỏ” đơn hàng để tránh thuế
Trước đó, khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) đồng ý với việc không quy định miễn thuế với hàng hóa nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ.
Theo đại biểu, với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng hóa có giá trị nhập khẩu có giá trị nhỏ có khối lượng ngày càng lớn.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) dẫn số liệu tháng 3-2023 cho thấy, mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam.
“Nếu trung bình mỗi đơn hàng là 200.000 đồng thì tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu hằng ngày lên tới khoảng 800 tỷ đồng. Con số này có thể tăng lên bởi thương mại điện tử nước ta đang thuộc tốp 10 nước phát triển nhanh nhất thế giới. Từng đơn hàng giá trị có thể nhỏ, nhưng tổng số lượng rất lớn, nếu tiếp tục miễn thuế thì sẽ không thu được lượng thuế khá lớn, thậm chí xảy ra tình trạng “xé nhỏ” đơn hàng để tránh thuế; đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu được hưởng lợi thế lớn”, đại biểu nói.
Trước đó, tại báo cáo giải trình, chỉnh lý, tiếp thu dự án luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nhiều ý kiến đề nghị thu thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, có ý kiến đồng tình miễn thuế VAT đối với hàng hóa giá trị nhỏ song cần phân biệt các trường hợp, cụ thể đối với trường hợp kinh doanh thì phải thu thuế, đối với trường hợp hành lý mang theo của người xuất, nhập cảnh thì miễn thuế.
"Với hiệu lực của quyết định số 78/2010, chúng ta đang thất thu thuế đối với một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu trên các nền tảng thương mại điện tử", báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.
Theo báo cáo, hiện Chính phủ đang dự thảo nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định và trước mắt cần chấm dứt ngay hiệu lực của quyết định 78/2010 để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cơ sở pháp lý cho việc thu thuế với thương mại điện tử đang được sửa đổi trong dự Luật Thuế Giá trị gia tăng. Điều này sẽ làm tăng số thu về thuế VAT từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với hàng hóa.
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.